Thời gian vừa qua, người ta xôn xao nhiều về câu chuyện của một doanh nhân sau khi nhịn ăn 49 ngày thiền định với một cốc nước mè rang mỗi ngày. Phương thức nhịn ăn và thiền định như vậy có thể áp dụng cho một người bình thường hay không?
Thiền định có những lợi ích cho sức khỏe
Theo BS.Trần Thị Bích, giảng viên cao đẳng Vật lý trị liệu TPHCM, Thiền định và phương pháp nhịn ăn thanh lọc cơ thể đã được áp dụng từ xa xưa, với mỗi tôn giáo đều có những hình thức áp dụng khác nhau. Về góc độ chuyên môn trong ngành trị liệu tự nhiên có phương pháp nhịn ăn và kết hợp các loại nước uống dinh dưỡng tự nhiên để giúp cơ thể bài tiết độc tố. Đặc biệt khi cơ thể không khỏe, việc nhịn ăn và chỉ sử dụng một số loại nước uống đặc biệt trong quá trình nhịn ăn giúp hệ thống miễn dịch cơ thể hoạt động trở lại bình thường, và cũng là dịp để các cơ quan tiêu hóa được nghỉ ngơi, bớt làm việc.. nhưng để áp dựng phương pháp này cho một người bình thường cần một lộ trình đi từ cấp độ thấp tới cấp độ cao, cách nhau trong một thời gian nhất định.
Với kinh nghiệm của bản thân tôi sau nhiều năm thực hành thiền định, tôi nhìn thấy nhiều lợi ích của thiền hơn là hại. Và khoa học cũng ngày càng chứng minh được những lợi ích thiết thực của thiền đối với cơ thể, tâm trí và tinh thần của một người nếu thực hành thiền đều đặn mỗi ngày và duy trì trong nhiều năm. Thông qua việc quan sát khi thở trong khi thiền, sau một thời gian chúng ta sẽ có sự cảm nhận hơi thở và cơ thể mình tốt hơn, từ đó điều chỉnh một số những khiếm khuyết cơ thể và duy trì một thể chất khỏe mạnh. Thiền định cũng giúp thúc đẩy sản xuất serotonin trong cơ thể của bạn, làm cho tâm trạng của bạn vui vẻ hơn.
Kết quả hành Thiền sẽ khác nhau tùy thuộc vào căn cơ và các điều kiện trợ duyên khác như chế độ ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp… Thiền được xem là một liệu pháp bổ sung được dùng song hành với các biện pháp chữa bệnh chính thống khác. Do đó việc gia giảm hoặc thay thế các loại thuốc trong việc điều trị phối hợp với Thiền cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, những kết quả không mong muốn trong việc hành thiền sẽ xảy đến khi người hành thiền không thực hành với thái độ đúng và không có người thầy dẫn dắt đúng đắn. Lời khuyên của tôi là với người mớt bắt đầu, nên có người thầy dẫn dắt, chỉ tự tập khi đã đủ trải nghiệm và nắm vững kĩ thuật.
Về lợi ích của việc nhịn ăn, chúng ta cần biết trong quá trình sống hằng ngày ta luôn tiếp xúc với môi trường ngày càng độc hại như không khí ô nhiễm, thực phẩm độc hại,…Việc nhịn ăn và chỉ uống nước trái cây, thực dưỡng giúp gan, thận giải những độc tố trong cơ thể ra ngoài và hệ tiêu hóa, đường ruột cũng được nghỉ ngơi. Nhịn ăn giúp cơ thể tự thanh lọc, theo cơ chế gọi là tự tiêu, tự phân (tiêu hóa, phân hủy).
Kết quả hành Thiền sẽ có thể khác nhau tùy nhiều điều kiện
Để nhịn ăn có hiệu quả cao, tránh các tai biến cần phải nắm vững phương pháp:
– Nhịn ăn lần đầu bạn nên nhịn ăn tập thể, trong một môi trường không khí trong sạch, luôn luôn có kết hợp luyện thở, thể dục nhẹ, tránh lao động nặng, và nhất là luôn luôn có một chuyên viên có kinh nghiệm hướng dẫn nhịn ăn, theo dõi và giúp đỡ.
– Nhịn ăn không nhịn uống, bạn nên uống kèm nước trái cây hoặc các loại nước uống thực dưỡng khác.
– Luôn giữ ấm cơ thể.
– Thời gian nhịn ăn từ một đến ba ngày hoặc nhiều ngày tùy bệnh lý, sức khỏe. Nhịn ăn từ lần sau có thể nhịn lâu hơn nhưng luôn luôn phải có chuyên viên theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn để kịp thời hỗ trợ.
Thiền phù hợp cho tất cả mọi người và như tôi đã chia sẻ ở trên muốn hành thiền phải có người thầy đủ kinh nghiệm dẫn dắt và bạn phải có sự chuẩn bị kỹ cho việc hành thiền để tránh những kết quả không mong muốn.
Việc nhịn ăn đối với người đang bệnh phải có sự tham vấn và theo dõi của bác sĩ, chuyên gia để việc nhịn ăn hiệu quả. Đối với người bình thường, việc nhịn ăn cũng phải theo lộ trình từ thấp tới cao, và tốt nhất vẫn nên có một người tham vấn hoặc một nhóm người cùng thực hiện việc nhịn ăn để có thể trao đổi cho nhau những trải nghiệm trong quá trình nhịn ăn. Đầu tiên có thể ăn ít, giảm xuống ăn 1 bữa 1 ngày. Sau đó nhịn ăn cả ngày chỉ uống nước trái cây. Tiếp theo là nhịn ăn 3 ngày uống nước trái cây. Cấp độ tiếp theo là nhịn ăn 1 ngày và chỉ uống nước lọc và tiến đến nhịn ăn 3 – 7 ngày và chỉ uống nước lọc. Nhưng như tôi đã nhắc đi nhắc lại, mỗi lộ trình có thể cách nhau 1 khoảng thời gian để đảm bảo bạn đủ năng lượng và cơ thể đủ sức cho lộ trình nhịn ăn ở cấp cao hơn, và tốt nhất nên có chuyên gia theo dõi và tư vấn cho bạn.
Cổ nhân có câu cái gì quá cũng không tốt, chúng ta nhìn thiền dưới góc độ khoa học, dù bạn theo tôn giáo nào bạn vẫn có thể hành thiền. Giá trị lớn nhất của thiền không phải là hướng người ta đi xuất gia hay tu tập mà là thiền có thể ứng dụng vào đời sống, công việc hàng ngày như một phương pháp chữa lành thân tâm, một kĩ năng sống giúp có được sự bình an nội tâm. Đừng nhìn thiền ở hình thái tu luyện quá cao siêu mặc dù thiền sẽ đưa tới sự sáng suốt và trí tuệ bậc cao khi tu thiền một cách nghiêm túc và kiên nhẫn. Nhưng trước khi đạt đến trình độ đó, tôi mong rằng mọi người tiếp cận với thiền một cách khoa học, đúng đắn, đưa thiền vào thực đơn hằng ngày để thân tâm luôn bình ổn, và ứng dụng thiền trong đời sống hàng ngày trong sự tỉnh thức. Và ngày nay, thiền bắt đầu được công nhận là một môn khoa học về năng lượng con người và khoa học tâm thức.
Nguồn: Trường cao đẳng Y Dược Sài Gòn