Categories
Tin tức

Cụ thể hóa đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

Bộ GD&ĐT vừa công bố và lấy ý kiến Dự thảo đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2018-2025. Dự thảo có nhiều ý kiến cho rằng cần cụ thể hóa tránh trường hợp xây dựng đề án một cách chung chung.

Tình trạng văng tục ở học đường

Tình trạng văng tục ở học đường

Hiện trạng văn hóa ứng xử trong trường học

Văn hóa ứng xử trong học sinh, sinh viên trong trường học hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể, học sinh sinh viên có nhiều biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất, đạo đức, lối sống như: thiếu trung thực, trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường; vô lễ với cha mẹ, thầy cô giáo và người lớn tuổi; thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh.

Trong khuôn viên nhà trường, học sinh sinh viên có thể tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép nhưng ngoài trường học, trên mạng xã hội thì có thái độ vô lễ, xúc phạm thầy cô giáo. Những giá trị tinh thần, mang tính nhân văn như: yêu thương, trách nhiệm, tôn trọng, bao dung… có xu hướng bị xem nhẹ hơn những giá trị vật chất, thực dụng.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho học sinh, sinh viên phổ thông và đại học cho thấy, có đến 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự nhận mình thường xuyên nói tục, chửi bậy.

Theo báo cáo sơ bộ của cơ quan công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, từ năm 2010 đến nay đã có 7.735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật….

Có thể nói tình trạng ứng xửu văn hóa trong học đường đang đặt ở tình trạng báo động và cần phải có những biện pháp cụ thể để khắc phục hiện trạng trên.

Mục tiêu về văn hóa ứng xử trong trường học

Từ thực trạng đáng buồn về văn hóa ứng xử trong trường học hiện nay, dự thảo đặt ra mục tiêu cần hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên;

Ba mục tiêu cụ thể được đề ra trong dự thảo là:

Thứ nhất: Đến năm 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc thù của lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Cụ thể hóa văn hóa ứng xử trong học đường

Cụ thể hóa văn hóa ứng xử trong học đường

Thứ hai: Đến năm 2020 có 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan tới văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa gia đình, nhà trường, cộng đồng và liên tục duy trì, phát huy vào các năm sau.

Thứ ba: Đến năm 2020 có ít nhất 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Đội thiếu niên trong các nhà trường được bồi dưỡng nâng cao và có năng lực tốt, mẫu mực trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học và đạt 95% vào năm 2025…

Cụ thể hóa đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ tâm huyết liên quan đến quy tắc ứng xử trong trường học. Theo quan điểm của ông Nhạ thì cần cụ thể hóa văn hóa ứng xử trong trường học chứ không nên đề cập một cách chung chung.

Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: “Chúng tôi đang nghiên cứu, chỉ đạo, đầu năm học mới sắp tới phải có quy tắc ứng xử văn hóa trong các cơ sở giáo dục một cách cụ thể, dễ nhìn, dễ thực hiện, dễ theo dõi, giám sát. Lúc đó sẽ có cuộc vận động thầy cô, học sinh, phụ huynh”.

Theo đó, Bộ trưởng Nhạ nêu ví dụ, khi học sinh gặp thầy thì phải đứng lại chào chứ không phải vừa chạy vừa chào, còn thầy được học sinh chào thì phải tươi cười, niềm nở.

Chắc chắn quy tắc ứng xử không nêu chung chung là “yêu quý học sinh” hay” tôn trọng thầy cô”, thế nào là tôn trọng, thế nào là yêu quý phải được cụ thể hóa…

Nguồn: trường cao đẳng Y dược Sài Gòn tổng hợp