Categories
Tin tức

Vì sao nhân viên đường sắt phải cao từ 1,53m, vòng ngực từ 75cm?

Đại diện trung tâm Y tế đường sắt cho biết, một người cao 1m60 mà vòng ngực dưới 75cm là siêu gầy, không dị tật lồng ngực, bệnh tật thì cũng có vấn đề sức khoẻ yếu.

Ngành Đường sắt vừa mới thông tin về việc bộ Y tế đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi góp ý cho dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Trong đó, nhân viên đường sắt phải đảm bảo về thể lực và tiêu chuẩn chức năng sinh lý, bệnh tật.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc trung tâm Y tế đường sắt cho biết, những quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với các chức danh trong ngành Đường sắt đã được áp dụng từ trước đến nay. Dự thảo lần này là rà soát, bổ sung, điều chỉnh để ban hành mới, thực thi luật Đường sắt 2017.

Vì sao nhân viên đường sắt phải cao từ 1,53m, vòng ngực 75cm trở lên là câu hỏi dư luận đặc biệt quan tâm

Vì sao có quy chuẩn với nhân viên đường sắt đang là một câu hỏi được dư luận quan tâm

Nói về tiêu chuẩn vòng ngực của nhân viên đường sắt, ông Dũng cho hay: “Một người cao 1m60 mà vòng ngực dưới 75cm là siêu gầy, không dị tật lồng ngực, bệnh tật thì cũng có vấn đề sức khoẻ yếu như bệnh AIDS giai đoạn cuối”.

 “Đối với những tiêu chuẩn không ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc thì không cần thiết đưa vào dự thảo. Nhưng những quy định về chiều cao, cân nặng, vòng ngực, thị lực, thính lực… là liên quan đến tầm với, tầm quan sát, sức khỏe của nhân viên, phải quy định nghiêm ngặt vì các chức danh này đều liên quan lớn đến công tác an toàn chạy tàu”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng chia sẻ, dự thảo xây dựng các tiêu chuẩn về sức khỏe đều đã được xây dựng bởi các chuyên gia ở bệnh viện đầu ngành như: Việt Đức, Bạch Mai, Phụ sản Trung ương…

Đây là những tiêu chuẩn về mặt chuyên môn y khoa. Những quy định có phần khắt khe như vậy bởi đây đều là các chức danh liên quan trực tiếp đến an toàn chạy tàu. Nếu không đảm bảo sức khỏe hay có sự cố sức khỏe trong khi làm việc sẽ làm mất an toàn chạy tàu.

Ông Dũng cho biết thêm, lái tàu là lao động thuộc loại nặng nhọc, độc hại loại 4, loại 5 nên sức khỏe phải tốt. Ngay cả quy định vòng ngực cũng cần thiết vì liên quan đến thể lực, chiều cao, theo công thức của tổ chức Y tế thế giới. Vòng ngực tối thiểu như vậy mới đảm bảo thể tích lồng ngực cho các chức năng khác như hô hấp.

Nhân viên đường sắt phải đạt đủ tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn tàu chạyNhân viên đường sắt phải đạt đủ tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn tàu chạy

Trước đó, bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Trong đó, nhân viên đường sắt phải đảm bảo về thể lực và tiêu chuẩn chức năng sinh lý, bệnh tật.

Thông tư này quy định về: Tiêu chuẩn sức khỏe cho các đối tượng khi tuyển dụng vào làm nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; tiêu chuẩn sức khỏe khi khám sức khỏe định kỳ của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt Quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị, và quy định về điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khám sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu…

Trong phụ lục tiêu chuẩn về bệnh tật có tới 13 mục là: Hô hấp; tuần hoàn; tâm thần – thần kinh; tiêu hóa; nội tiết – chuyển hóa; tiết niệu – sinh dục; hệ vận động; ngoài da – da liễu; mắt; tai – mũi – họng; răng hàm mặt; thời gian phản xạ thính vận động, thị vận động; bướu.

Với những hạng mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục có các chỉ số cụ thể như: Tràn dịch tinh hoàn nam; rò bàng quang âm đạo, các biểu hiện viêm, viêm tử cung, viêm vòi trứng; u nang buồng trứng, trĩ, ruột thừa…

Trong tiêu chuẩn thể lực, các đối tượng trên đều phải đạt chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, lực bóp tay, lực kéo thân (trừ một số vị trí khi khám định kỳ).

Nữ giới là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53m, cân nặng 45kg, vòng ngực trung bình từ 75cm trở lên. Nam, nữ nhân viên tuần đường, gác chắn cũng phải đạt các chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực…

Phỏng vấn các bạn sinh viên khoa Vật lý trị liệu trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn về cảm nghĩ về việc ban hành quy định về sức khỏe này, Bạn Lê Duy Thắng nói: “Em nghĩ quy định này được ban hành dựa theo quy chuẩn về sức khỏe đối với nhân viên ngành đường sắt để đảm bảo an toàn tàu chay như vậy là hợp lý và không có ỳ là quá đáng”. Các bạn sinh viên cũng chia sẻ rằng đúng là có sự tương quan khoa học giữa chiều cao, vòng ngực đến thể lực của một người.

Nguồn: Trường Cao Đẳng Y dược TPHCM