Categories
Tin tức

“Đôi mắt Hải An” sẽ viết tiếp những câu chuyện hồi sinh kỳ diệu

Nước mắt đã rớt xuống trong đời, biết bao lần, bên cơ thể người chồng, người con của những bà vợ, bà mẹ, và cả những ngày sau đó, khi họ chỉ còn nắm bắt thân xác người quá cố bằng hư vô. Đâu đó ngoài kia, một phần cơ thể của chồng, con họ vẫn tồn tại, trong một cơ thể khác… Với họ, đó cũng là hạnh phúc bội phần, là bởi “Đâu đó trên đời này, con em chúng tôi còn hiển hiện và dõi theo chúng tôi” như lời bố của Thiếu tá Lê Hải Ninh hiến đa tạng sau khi qua đời gây xúc động những ngày qua.

Giác mạc của Hải An đã mang lại ánh sáng cho hai người khác.Giác mạc của Hải An đã mang lại ánh sáng cho hai người khác.

“Thiên thần Hải An” đã lan tỏa những điều đẹp đẽ

Ngày 26-2, chỉ sau câu chuyện của thiên thần Hải An, thân nhân một người chết não đã quyết hiến tạng của cậu con trai mình, để tặng cơ hội được sống dài hơn, chất lượng sống tốt hơn cho sáu người khác. Giác mạc của Hải An, không chỉ mang lại ánh sáng cho hai người, mà còn thắp lên ngọn lửa diệu kỳ, dẫn đường cho hơn hai nghìn người khác đăng ký hiến tạng những ngày qua.

Đã có rất nhiều cuộc trao tặng mô tạng đầy xúc động. Có những cuộc ghép tạng xuyên quốc gia đi vào lịch sử y khoa Việt Nam. Có những câu chuyện bố và bác cùng cho thùy phổi cứu sống con mình. Có người mẹ dằn lòng xuống, sẵn sàng gạt bỏ dư luận mà hiến tạng của cậu con trai mới lớn không may qua đời vì tai nạn…. nhưng dường như, những điều ấy vẫn chưa đủ lay động hàng triệu trái tim người Việt. Cho đến khi Hải An – một chiến binh dũng cảm kiên cường chiến đấu với căn bệnh ung thư đến phút cuối, đã để lại ánh sáng cho hai người khác bằng hai giác mạc của mình. Cô bé như một thiên thần tỏa ra ánh sáng kỳ diệu, ấm áp.

Cảm xúc được truyền đi từ Hải An, đã thật sự lan tỏa tính nhân văn, tình người và giải phóng không ít người khỏi tư tưởng sự toàn vẹn của sự mất đi. Họ sẵn sàng trao tặng, cởi mở hơn với trao tặng mô, tạng của bản thân và của người thân mình.

“Hải An như một thiên thần nhỏ và để lại cho cuộc đời quá nhiều điều đẹp đẽ và tử tế. Trong câu chuyện của Hải An, tôi thật sự xúc động với sự chia sẻ của em bé bảy tuổi này. Em và mẹ thường xuyên nói về câu chuyện hiến tặng mô tạng. Bảy tuổi – suy nghĩ của em thật sự khiến những người lớn chúng ta phải giật mình. Và tôi vô cùng cảm phục mẹ của Hải An, một người phụ nữ kiên cường và vẫn tiếp tục kiên cường khi mang Hải An đến với chúng tôi, cùng chúng tôi truyền đi thông điệp về sự cho đi” – ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia nghẹn ngào nói.

Những ngày đầu năm 2018, một cuộc ghép tạng xuyên quốc gia đã được thực hiện thành công từ người cho chết não. Bố mẹ và người vợ thân yêu của Thiếu tá Lê Hải Ninh đã gạt đi nỗi mất mát đau thương vì sự ra đi đột ngột của anh, không chần chừ quyết định hiến đa tạng của anh, chỉ với một khao khát, còn được cảm nhận anh, còn được anh dõi theo gia đình trên cõi đời này.

Gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh nhận Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

Gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh nhận Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ với nhóm phóng viên cao đẳng Dược TPHCM, chính câu chuyện lay động của Hải An là chất xúc tác cực mạnh cho quyết định hiến tạng của gia đình này. Họ, với tâm niệm còn tiếp tục được thấy con mình, chồng mình hiện hữu trên cõi đời này và còn được cống hiến cho Tổ quốc. Nghĩa cử cao đẹp đó, đã cứu sống được sáu người, trong đó, có hai người mắc suy tim và suy thận giai đoạn cuối tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Và phổi của người đàn ông này, cũng lần đầu tiên được thực hiện ghép thành công tại Việt Nam, cho một bệnh nhân đang thoi thóp thở vì suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Trong câu chuyện lay động xúc cảm về sự tận hiến tạng cơ thể của người con, người chồng – Thiếu tá Lê Hải Ninh, những câu nói sau cùng của vợ anh, chị Tạ Thị Kiều vẫn làm tôi cay khóe mắt “Anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng ngời theo dõi mẹ con em sống như thế nào”. Nỗi mất mát quá lớn, quá đột ngột khiến chị chẳng thể suy tính gì thêm, bằng việc tiếp tục khao khát được cảm nhận anh vẫn còn trên cõi đời này khi duy trì sự sống cho tim, phổi, giác mạc, thận của anh trong một cơ thể khác. Chị và gia đình anh Lê Hải Ninh, đã viết tiếp câu chuyện về sự tử tế, về sự cho đi là mãi mãi.

“Họ tự hào về hành động đó. Họ muốn biến sự mất mát, nỗi đau của người thân bằng cách giúp người thân vẫn hiện hữu trong cuộc đời” – ông Phúc xúc động nói. Giá trị của sự tự tế, đã lan tỏa những điều đẹp đẽ. Mà ông tin, về sau này, sẽ có thêm nhiều những câu chuyện đẹp đẽ và tử tế như thế nữa.

Nguồn: Trường cao đẳng Y Dược TPHCM